LUẬT SƯ RIÊNG CỦA CÔNG CHỨC VIÊN CHỨC TRONG CÁC VỤ ÁN XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ
14:54 20/02/2020
Mỗi vụ án mang một đặc thù hoàn cảnh khác nhau, ngoài các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp cao cán bộ thuộc trung ương quản lý...
- LUẬT SƯ RIÊNG CỦA CÔNG CHỨC VIÊN CHỨC TRONG CÁC VỤ ÁN XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ
- LUẬT SƯ RIÊNG CỦA CÔNG VIÊN CHỨC TRONG VỤ ÁN XÂM PHẠM TTQL KINH TẾ
- Pháp luật hình sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
LUẬT SƯ RIÊNG CỦA CÔNG VIÊN CHỨC TRONG VỤ ÁN XÂM PHẠM TTQL KINH TẾ
Thực tiễn hiện nay các vụ án liên quan đến các hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bị khởi tố, truy tố, xét xử khắp nơi. Mỗi vụ án mang một đặc thù hoàn cảnh khác nhau, ngoài các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp cao cán bộ thuộc trung ương quản lý thì cũng có hàng chục cán bộ công chức dưới quyền bị liên quan, các doanh nghiệp tham gia cũng rất dễ đồng phạm. Không như doanh nghiệp lời ăn lỗ chịu. Thắng thua là lẽ thường, lúc thành công khi phá sản. Doanh nghiệp nhà nước, cán bộ công chức lãnh đạo cơ quan nhà nước, quản lý doanh nghiệp nhà nước liên quan đến các dự án kinh tế, tài sản nhà nước (tài sản công), cứ mỗi khi nghe dự án kinh tế bị chậm triển khai, phá sản giải thể, thất thoát lãng phí, đất đai dự án đắp chiếu là lại có vụ án về các tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bị khởi tố gây ra lo lắng rất lớn cho các công chức viên chức lãnh đạo, quản lý ở các lĩnh vực liên quan. Điển hình các vụ án gần đây:- Vụ ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, đều là cựu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, đồng phạm là Vũ Nhôm (giám đốc doanh nghiệp), đều bị truy tố ở khoản 3, điều 219 BLHS 2015 (hình phạt từ 10-20 năm tù).
- Vụ ông Nguyễn Hữu Tín, cựu phó chủ tịch TP.HCM, ông Đào Anh Kiệt nguyên giám đốc Sở TNMT TP. HCM
- Vụ ông Đinh La Thăng..vv
I – TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC GÂY THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ
(Đây là một tội khá điển hình trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (TTQLKT)).1- Mô tả cơ bản:
Không giống như các tội danh khác thuộc nhóm chức vụ và nhóm tội tham nhũng, mặc dù giống nhau ở chỗ nó đều do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, đều lợi dụng chức vụ quyền hạn mình đang có để phạm tội. Nhưng điểm khác nhau cơ bản đó là tính chất vụ lợi – mưu cầu lợi ích cho cá nhân mình cho người thân của mình. Các tội phạm này thì chỉ lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả, gây thiệt hại là đủ dấu hiệu khởi tố chứ không bắt buộc phải có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản. Còn các tội về chức vụ: tham ô, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ…..thuộc nhóm tội tham nhũng thì phải có động cơ vụ lợi tức là lợi dụng chức vụ quyền hạn để hưởng lợi ích hoặc chiếm đoạt tài sản (tham ô). Cụ thể điều luật: Điều 219 (BLHS 2015) - Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
2. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Dấu hiệu pháp lý của tội phạm
- Khách thể của tội phạm: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị). Đối tượng bị xâm hại của tội phạm này là tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị: máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác do pháp luật quy định.
- Mặt khách quan của tội phạm: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được thực hiện bằng hành vi vi phạm chế đề quản lý, sử dụng tài sản của người được giao quản, sử dụng tài sản nhà nước như: Sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và không hiệu quả, lãng phí; không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ tài sản nhà nước theo quy định; không báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được giao theo quy định của pháp luật.
- Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là những người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước).
- Mặt chủ quan của tội phạm: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được thực hiện bằng lỗi cố ý.
2. Nhận biết quá trình thường diễn ra khi bị can, bị cáo bị điều tra tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
2.1. Làm rõ hành vi vi phạm quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước
Hành vi, vi phạm vô cùng đa dạng, lắt léo và điển hình thường bị xem xét ở các hành vi sau: Lĩnh vực đất đai, xây dựng- Xin dự án sau đó không triển khai hoặc triển khai không hoàn thiện dẫn đến thiệt hại là chậm, thất thoát, thu hồi, xử phạt.
- Định giá/áp giá đất để giao đất cho thuê đất, đấu thầu, giá khởi điểm để đấu giá sai, thiếu minh bạch dẫn đến giá thu được thấp, thất thoát.
- Chưa đánh giá ĐTM (đánh giá tác động môi trường) vẫn cho thi công.
- Bán nhà, đất công sản không đúng trình tự thủ tục gây ra thiệt hại.
- Xác định hệ số sinh lợi tháp khi giao, cho thuê gây thiệt hại.
- Vi phạm về Quy hoạch gây thiệt hại.
- Báo cáo không đầy đủ theo quy định.
- Chi sai nguyên tắc.
- Xem xét việc lập báo cáo đầu tư không đầy đủ
- Thẩm định thiếu sót
- Phê duyệt, chỉ định thực hiện dự án cho đơn vị không đủ năng lực.
- Giao đất cho chủ đầu tư triển khai dự án không đấu thầu mà chỉ định
- Giao đất giá rẻ
- Xác định tổng mức đầu tư với dự án đổi đất lấy hạ tầng quá cao
- Thay đổi thiết bị vật tư máy móc và giao đất khi dự án chưa được phê duyệt
- Thanh toán công trình không đúng tiến độ.
- Điều chỉnh dự án không đúng quy định.
- Ký biên bản nghiệm thu sai
2.2. Làm rõ vấn đề vụ lợi trong quá trình giải quyết vụ án
Trên thực tế các bị can có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được thực hiện bằng lỗi cố ý, dư luận cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng dễ áp đặt là có vấn đề vụ lợi hoặc suy đoán theo cách hiểu là không đơn thuần bị can bị cáo giúp không cho không người khác, mà có thể họ có động cơ mục đích cá nhân- vụ lợi khi thực hiện các hành vi cố ý đó, bởi người phạm tội đều là những lãnh đạo, chuyên gia, người hiểu biết pháp luật sâu sắc. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được vấn đề vụ lợi thì rất có thể sẽ dẫn đến thay đổi tội danh khởi tố, truy tố sang tội danh ở nhóm tội tham nhũng với mức hình phạt nặng hơn nhóm tội vi phạm TTQLKT. Tuy nhiên để khởi tố tội danh tham nhũng thì phải chứng minh yếu tố vụ lợi? câu chuyện thực tiễn giải quyết vụ án hình sự làm sao chứng minh được các dấu hiệu vụ lợi, chiếm đoạt tài sản là có khó khăn. Thứ nhất, dưới góc độ tội phạm, họ – các đối tượng phạm tội thuộc nhóm tội kinh tế, chức vụ thường là những người có trình độ cao, hiểu biết pháp luật. Khi phạm tội họ tính toán nhiều khả năng trong đó có khả năng để che dấu tội phạm. Thứ hai, trong các vụ án về tham nhũng, chức vụ, kinh tế thường là vụ án lớn rất nghiêm trọng và phức tạp, hành vi phạm tội thường rất tinh vi, nhiều bị can. Thứ ba, quá trình điều tra thường phải trưng cầu giám định để xác định hậu quả thiệt hại. Trong khi đó, công tác giám định thiệt hại về kinh tế, đất đai, xây dựng…còn gặp nhiều lúng túng. Pháp luật về sở hữu, tài sản chưa rõ ràng2.3. Xác định đặc điểm của nguyên nhân
Bất kỳ một vụ phạm tội kinh tế nào xảy ra đều có nguyên nhân chủ quan và khách quan:- Nguyên nhân chủ quan là từ công tác cán bộ, bản thân người phạm tội do yếu kém về trình độ quản lý kinh tế, do sai lệch về đạo đức và nguyên nhân khách quan tức là những điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài tác động đến hành vi phạm tội.
- Về nguyên nhân khách quan có thể kể đến trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện. Điều đó không thể tránh khỏi những khoảng trống, những bất cập chưa được điều chỉnh kịp thời bằng pháp luật để người có chức vụ quyền hạn vi phạm.
II - QUÁ TRÌNH BÀO CHỮA THÔNG THƯỜNG CỦA LUẬT SƯ (CÔNG TY LUẬT TOÀN QUỐC)
Nắm được đặc trưng của nhóm tội phạm này là hay có kết luận thanh tra trước rồi mới khởi tố. Do vậy phải lên kế hoạch chi tiết, nắm chắc lộ trình sau:3.1. Nghiên cứu hồ sơ
Lập tiểu hồ sơ riêng cho vụ án, sau đó:- Gặp thân chủ động viên, ổn định tinh thần, hướng dẫn tư vấn cho họ về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Đảm bảo cho họ được bảo vệ tốt nhất về quyền con người theo quy định pháp luật hiện hành. Đặc biệt tư vấn cho họ về những điểm mới của tố tụng hình sự 2015 (quyền được bảo vệ, bào chữa, quyền im lặng).
- Giải thích pháp luật về nguyên tắc suy đoán vô tội…..
- Hỏi thân chủ làm rõ các kết luận thanh tra.
- Lắng nghe trình bày của thân chủ và lưu tâm tìm hiểu làm rõ các chi tiết trong lời khai của họ. Bản thân thân chủ đa phần là lãnh đạo, chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Họ là những người nắm rõ quy trình diễn ra, nguyên nhân bên trong của hành vi vi phạm, để luật sư có cái nhìn toàn cảnh về nguyên nhân, bối cảnh, hành vi từ đó làm rõ và bảo vệ được thân chủ. Trong quá trình này hỗ trợ giúp đỡ họ giải quyết một số khó khăn cá nhân phù hợp với quy định pháp luật. Như yêu cầu được chăm sóc sức khỏe, trình bày về tiền sử, tình trạng khám chữa bệnh….
- Thu thập đa dạng tài liệu về hệ thống chính sách pháp luật, cơ cấu tổ chức đơn vị, hạn, chức vụ quản lý về pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực mà thân chủ quản lý, lãnh đạo.
- Thu thập các Văn bản quản trị nội bộ từ hệ thống kế toán và văn thư lưu trữ, các phòng ban khác của tổ chức. Đặc biệt là những nghị quyết, văn bản ủy quyền, phân vai, phân việc, biên bản họp, công văn, chỉ thị trong quá trình tội phạm diễn ra để đối chiếu, làm rõ, chắt lọc những chứng cứ có lợi cho quá trình chứng minh bào chữa.
- Các chứng cứ, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ việc xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;
- Các tài liệu về nhân thân, thành tích cá nhân của thân chủ..
3.2. Sau khi có kết luận điều tra
- Phải sao chụp tài liệu, xem xét thật kỹ, toàn diện về về mặt tố tụng ở những nội dung sau:
- Nguyên nhân - Bối cảnh xảy ra vụ án (chủ trương chính phủ, văn kiện đảng...)
- Các biên bản lời khai có sự tham dự của luật sư không, có chữ ký không, được lấy lời khai vào lúc nào, có quay phim chụp ảnh ghi âm quá trình lấy lời khai không.
- Các chứng cứ khác được thu thập có hợp pháp không.
- Tính xác thực của các căn cứ quy buộc.
- Các biên bản đối chất có luật sư tham gia không.
- Biên bản đối chất mâu thuẫn thì giá trị như thế nào.
- Đặc biệt là vấn đề xác định thiệt hại, tỷ lệ khấu hao.
- Vai trò của thân chủ trong quy trình dẫn đến thiệt hại.
- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.
- Vấn đề tài chính – vay ngắn hạn – vay dài hạn- cấp vốn được tính thiệt hại thế nào.
- Định giá theo cơ sở nào.
- Kê biên có chính xác không?
- Tính đồng nhất trong diễn biến hành vi.
- Hệ thống kế toán, chứng từ kế toán chưa hợp pháp giá trị thế nào..
- Lời khai của người làm chứng mà không có các chứng cứ khác thì như thế nào.
- Mệnh lệnh cấp trên cho thi hành nhưng lại không có văn bản giấy tờ thì giá trị chứng minh như thế nào.
- Thân chủ thực hiện các văn bản hành chính, chủ trương, chế độ ưu tiên nhưng những quy định này có mâu thuẫn với nhau thì áp dụng như thế nào
- Các tình tiết giảm nhẹ liên quan đến giấy khen, bằng khen..vv
- …
3.3. Xây dựng bản luận cứ bào chữa
Bài bào chữa sẽ xây dựng theo từng vụ án cụ thể tuy nhiên Luật sư Công ty Luật Toàn Quốc sẽ lưu ý.- Phải định hướng được phương án bào chữa trước khi ra tòa. Bài bào chữa phải xuyên suốt, bám sát vào định hướng đó để nhấn mạnh và mang tính thuyết phục.
- Đây là nhóm tội có liên quan đến rất nhiều cá nhân, tổ chức nên việc làm rõ các tài liệu chứng cứ đã có trong hồ sơ cần phải xem trọng, lưu ý cần đối chất tại tòa các Điều tra viên, giám định viên...vv
- Hiện nay việc kinh doanh, đấu thầu liên quan đến hoạt động kinh tế có rất nhiều đối tác nước ngoài tham gia nên các hồ sơ tài liệu càn phải được dịch thuật rõ ràng, hợp pháp trước khi dùng.
- Phải độc lập, trung thành đến cùng đối với khách hàng trong khuôn khổ pháp luật. Điều này phải hiểu là không phủ định nghĩa vụ luật sư đối với pháp luật, với xã hội. Muốn như vậy phải tôn trọng tuyệt đối sự thật khách quan, lấy sự thật khách quan chứ không phải sứ mệnh chính trị nào làm thước đo cho sự độc lập và tính trung thành.
- Phải phân định rõ hành vi của thân chủ với các bị cáo khác, phân định rõ giới hạn trách nhiệm hình sự của thân chủ với các bị cáo khác. Nhưng tránh lao vào câu chuyện đổ tội cho người mà luật sư không bào chữa.
- Không sử dụng phương pháp nước đôi. Vừa bào chữa theo hướng không phạm tội, nếu không được thì xin giảm nhẹ. Nếu chứng cứ là chưa đủ căn cứ buộc tội thì cần quyết liệt đề nghị không phạm tội.
- Không sử dụng phương pháp thừa như: Đòi hỏi thêm quyền lợi quá đáng, trì hoãn phiên tòa không chính đáng, thúc đẩy việc khiếu nại tố cáo không có căn cứ, dùng chứng cứ giả, giải thích pháp luật sai lệch, tư vấn cho bị can các hành vi bất hợp pháp.
3.4. Một số vấn đề phải lưu ý để làm rõ, tranh luận đến cùng đối với nhóm tội này
- Môi trường đầu tư, môi trường pháp lý, Quy chế quản lý, Quy chế hoạch toán hiểu và áp dụng như thế nào?
- Nếu hành vi vi phạm đã thông qua chủ trương của cơ quan đảng, cơ quan dân cử hình thành chính sách thì vai trò thế nào?
- Nếu thân chủ không thực hiện tham mưu, đề xuất mà chỉ thực hiện ý kiến chỉ đạo, không hưởng lợi ích thì sao?
- Sau khi thân chủ thực hiện hành vi sai phạm một thời gian cũng đã có hành vi khác phủ định, sửa chữa sai phạm thì sao?
- Thực hiện, chấp hành các văn bản hành chính cấp trên, cấp dưới, không bàn bạc phân công, phân vai, phân việc thì có trách nhiệm đến đâu?
- Biết vụ việc thông qua các biên bản giao ban, tham mưu thì trách nhiệm gì?
- Bút phê, ký nháy nhưng không ra văn bản cụ thể thì mức độ sai phạm đến đâu?
- Soạn văn bản trình nhưng không bút phê, ký nháy, không quyết định thì mức độ sai phạm đến đâu?
- Khâu vi phạm lại không phải là khâu quyết định gây hậu quả thì xác định mức độ vi phạm thế nào?
- Định giá sai, thiếu thì hậu quả đến đâu?
- Doanh nghiệp mua dự án có phạm tội không? ...
LUẬT SƯ, GIÁM ĐỐC
Vũ Mạnh Hùng